Bản đồ địa giới xã Thạch Đồng
Thạch Đồng là một xã trung du miền núi của huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm huyện 5km về phía Tây.
- Phía Bắc giáp xã Thạch Bình và xã Thạch Tân;
- Phía Nam giáp xã Thạch Long;
- Phía Đông giáp xã Thạch Định, xã Thành Hưng;
- Phía Tây giáp xã Cẩm Long (huyện Cẩm Thủy).
Xã Thạch Đồng phân ranh giới với xã Thạch Long là con mương tiêu (gọi là Hón Sành) chảy từ cánh đồng chiêm (đồng Lỳ) thôn Phú Ổ chạy qua cánh đồng thôn Đại Dương ra sông Bưởi. Phía Tây phân ranh giới với xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy bởi đồi Thánh Giá, chạy từ Châu Sơn, Thạch Bình xuống hang Ma Thạch Long. Phía Bắc phân ranh giới với xã Thạch Bình bởi hồ Bàu Sỏi, xã Thạch Bình.
Từ trung tâm xã Thạch Đồng đi qua xã Thạch Tân, đi theo Tỉnh lộ 516, đến xã Thạch Quảng gặp đường Hồ Chí Minh, đi tiếp khoảng 130km đến Thủ đô Hà Nội. Từ trung tâm xã qua Thạch Định đến cầu Cứng Kim Tân về phía Đông là ra thị xã Bỉm Sơn, đi tiếp đường 1 khoảng 60km đến thành phố Thanh Hóa hoặc từ trung tâm xã qua Thạch Long đến cầu Cổ Tế đi khoảng 56km đến thành phố Thanh Hóa.
Địa hình Thạch Đồng thuộc lòng máng, được tạo thành bởi dãy đồi đất phía Tây (được gọi là đồi Thánh Giá) xen kẽ với những núi đá vôi giữa địa hình như núi Thờ, núi Chiêng, núi Sọn và những ngọn đồi thấp như đồi Đống Ông, đồi Trầu, đồi Than. Thạch Đồng có 2 phần phía Đông và 1/3 phía Nam được bao bọc bởi dòng sông Bưởi, bắt đầu từ Hón Sâm làng Đồng Trạch đến Hón Sành xã Thạch Long.
Về tài nguyên nước: Tài nguyên nước gồm nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Nước mặt là nguồn nước cung cấp cho cây trồng chủ yếu từ sông Bưởi qua hệ thống kênh mương có trên địa bàn. Có dòng sông Bưởi chạy qua 1 phần địa bàn xã Thạch Đồng (gồm 2 thôn Đồng Trạch và Duyên Linh), thuộc phụ lưu của sông Mã. Vào thời kỳ nhà Minh cai trị, sông Bưởi có tên là sông Tế Giang, sau này đổi tên thành sông Bưởi (còn có tên là sông Bảo). Sông Bưởi có tổng chiều dài lên tới 130km, bắt nguồn từ huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình chảy qua huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Ở huyện Thạch Thành, sông Bưởi chảy từ xã Thạch Lâm đến xã Thạch Long với chiều dài chừng 60km, sau đó chảy qua hai xã Vĩnh Khang và Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc rồi đổ vào sông Mã.
Vị trí địa lý tạo điều kiện thuận lợi cho xã trong việc trồng lúa, trồng cây công nghiệp hàng năm, lâu năm và kết hợp nuôi trồng thủy sản.
- Là xã thuộc khu vực miền núi địa hình cao thấp xen kẽ. Cốt cao nhất là 14.8m, thấp nhất là 9.1m, cốt ngập lụt 10.8m.
- Thạch Đồng nằm trong vùng miền núi của tỉnh Thanh Hóa cùng chung với khí hậu của 2 vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm.
Nhiệt độ: Do được thừa hưởng chế độ bức xạ mặt trời nhiệt đới đã dẫn đến một nền nhiệt tương đối cao. Tổng nhiệt độ bình quân trong năm 850000 C - 860000C. Biên độ nhiệt năm là 12 – 130C, biên độ nhiệt ngày là 5.5 – 60C.
Mưa: Lượng mưa trung bình năm từ 1 600 mm - 1800 mm, vụ mùa chiếm khoảng 85% - 89% . Mùa mưa thường kéo dài 6 tháng từ tháng 5 đến tháng 10, trung bình tháng đạt 200 – 300 mm , lớn nhất vào tháng 8 và tháng 9 đạt tới 350 – 400mm, tháng 12 đến tháng 2 năm sau ít mưa, trung bình 10 – 12mm/tháng
Hướng gió: chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính, gió mùa Đông Bắc và gió Đông Nam. Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng vào mùa hè ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và sức khỏe con người.
(Theo số liệu của trung tâm khí tượng thuỷ văn Thanh Hoá).
3.1. Các nguồn tài nguyên:
Xã Thạch Đồng có địa bàn rộng do vậy có nhiều nguồn tài nguyên là tài nguyên đất đai, tài nguyên nước.
a-Tài nguyên về đất đai:
Tổng diện tích đất tự nhiên 936.64 ha, trong đó:
- Đất nông nghiệp: 649.75 ha chiếm 69.37 % so với tổng diện tích tự nhiên.
- Đất phi nông nghiệp 266.76 ha chiếm 28.48 % so với tổng diện tích tự nhiên.
- Đất chưa sử dụng: 20.13 ha chiếm 2.15 % so với tổng diện tích tự nhiên
b. Nguồn tài nguyên nước:
- Nguồn nước mặt: Đây là nguồn nước cung cấp cho cây trồng chủ yếu từ sông Bưởi qua hệ thống kênh mương có trên địa bàn.
- Nước ngầm: gồm có 2 lớp:
Lớp 1: ở độ sâu 5 – 7m, được nhân dân khai thác qua hệ thống giếng khơi để lấy nước sinh hoạt qua bể lọc gia đình, chất lượng đảm bảo, vệ sinh nước chưa bị ô nhiễm.
Lớp 2: ở độ sâu 15 – 40m, nguồn nước sạch, chất lượng đảm bảo, hiện đang được các hộ khai thác để phục vụ sinh hoạt.
c. Tài nguyên rừng:
Hiện tại diện tích đất rừng sản xuất của xã có 72.46 ha chiếm 7.74% diện tích đất tự nhiên. Tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường khí hậu và chống sói mòn đất.